Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Nội Vụ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả Chỉ số SIPAS, PAR INDEX năm 2023 của tỉnh Lạng Sơn

Sáng ngày 17/4/2024, tại trụ sở Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (PAR INDEX) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội cựu Chiến binh Việt Nam; đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Tỉnh Lạng Sơn dự hội nghị có đồng chí Hoàng Thị Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ và một số đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc hội nghị

Việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân về phục vụ hành chính và cải cách hành chính được Bộ Nội vụ triển khai hằng năm. Đối với Chỉ số SIPAS, năm 2023 là năm thứ 2 triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở cả nội dung xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công và cung ứng dịch vụ hành chính công. 9 nhóm chính sách công quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân được lựa chọn để người dân đánh giá, bao gồm: Chính sách phát triển kinh tế; chính sách khám, chữa bệnh; chính sách giáo dục phổ thông; chính sách nước sinh hoạt; chính sách điện sinh hoạt; chính sách trật tự, an toàn xã hội; chính sách giao thông đường bộ; chính sách an sinh, xã hội và chính sách cải cách hành chính (CCHC) nhà nước.

Theo kết quả công bố, người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2023 ở mức 82,66%, tăng so với năm 2022 (80,08%). Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03%-90,61%. Trong đó, chỉ số SIPAS năm 2023 của tỉnh Lạng Sơn có sự cải thiện, xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố, đạt 79,3%, tăng 04 bậc so với năm 2022. Các địa phương dẫn đầu chỉ số SIPAS năm 2023 gồm: Xếp thứ nhất là tỉnh Quảng Ninh, đạt 90,61%; xếp thứ 2 là tỉnh Thái Nguyên, đạt 90,29%; xếp thứ 3 là tỉnh Hải Dương, đạt 90,23%.

Chỉ số SIPAS năm 2023 của các tỉnh, thành phố trong cả nước

Đối với Chỉ số PAR INDEX, kết quả đạt được của các bộ, ngành và UBND các địa phương khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, Chỉ số PAR INDEX năm 2023 của các tỉnh, thành phố đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực, giá trị trung bình năm 2023 đạt 86,98%, cao hơn 2,19% so với năm 2022, đây là năm thứ 5 liên tiếp có Chỉ số CCHC của các địa phương đạt giá trị trung bình trên 80%.

Trong đó, chỉ số PAR INDEX năm 2023 của tỉnh Lạng Sơn có sự cải thiện, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố, đạt 85,94%, tăng 07 bậc so với năm 2022. Các địa phương dẫn đầu gồm: Xếp thứ nhất là tỉnh Quảng Ninh, đạt 92,18%; xếp thứ 2 là thành phố Hải Phòng, đạt 91,87%; xếp thứ 3 là thành phố Hà Nội, đạt 91,43%. Đứng cuối bảng xếp hạng là tỉnh An Giang, đạt 51,66%.

Chỉ số PAR INDEX năm 2023 của các tỉnh, thành phố trong cả nước

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đánh giá, những thành tựu đạt được của công tác cải cách hành chính trong năm qua của các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản được định lượng, thể hiện thông qua kết quả điểm, xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Từ khi triển khai đến nay, Chỉ số cải cách hành chính tiếp tục khẳng định là công cụ quản lý, thước đo quan trọng giúp xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện nhiệm vụ Cải cách hành chính của từng bộ, ngành, tỉnh, thành phố; đồng thời cụ thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ Cải cách hành chính góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị.

Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ cơ quan, ban, ngành, trong đó tập trung vào các nội dung, lĩnh vực mà chỉ số Chỉ số PAR INDEX, SIPAS của tỉnh còn hạn chế; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và mọi tầng lớp nhân dân trong thực hiện công tác cải cách hành chính, qua đó tiếp tục đổi mới sáng tạo, không ngừng nỗ lực để nâng cao niềm tin xã hội, niềm tin của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền; mở rộng sự kết nối, trao đổi thông tin, tăng cường tương tác thường xuyên giữa chính quyền các cấp với người dân và doanh nghiệp; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, qua đó góp phần nâng cao chỉ số SIPAS, PAR INDEX và các chỉ số khác của tỉnh trong những năm tiếp theo./.

 

 

Nguyễn Hải Hoàng

TCBC&CCHC