Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ
Sáng ngày 21/12/2024, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Vũ Chiến Thắng và Trương Hải Long chủ trì Hội nghị.
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ Nội vụ
Dự Hội nghị tại trụ sở Bộ Nội vụ có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; Cục trưởng, Vụ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức cán bộ các Bộ, Ban, ngành Trung ương; tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các đơn vị cấu thành của đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; Thường trực Đảng ủy Bộ; lãnh đạo Văn phòng Ban cán sự đảng Bộ; Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Bộ; Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bộ và công chức từ ngạch Chuyên viên chính trở lên; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, của Hà Nội và của Bộ Nội vụ.
Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh; tham dự Hội nghị có đồng chí Giáp Thị Bắc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đồng chí Hoàng Thị Hiền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ, các đồng chí lãnh đạo Sở Nội vụ, đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc, trực thuộc Sở và lãnh đạo Phòng Nội vụ các huyện, thành phố.
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm “tăng tốc” để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí Bộ trưởng khẳng định với 8 kết quả nổi bật ngành Nội vụ năm 2024, cụ thể là:
Một là, xây dựng và hoàn thiện thể chế đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2024, toàn Ngành đã tiếp tục tập trung nỗ lực để tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách tiếp tục kiến tạo thể chế khơi thông các nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn về tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy sự phát triển. Bộ Nội vụ là cơ quan có số văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành cao nhất với 163 chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 23 Thông tư và văn bản hợp nhất.
Hai là, đã tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương mà đột phá là đề xuất thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo lộ trình hợp lý, thận trọng, từng bước, thiết thực, hiệu quả; trong đó điều chỉnh lương cơ sở tăng 30% - mức tăng cao nhất từ trước đến nay và bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, tạo động lực và nâng cao đời sống cho cán bộ,công chức,viên chức.
Ba là, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; đồng thời, tham mưu cấp có thẩm quyền thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương - thành phố Di sản đầu tiên trực thuộc Trung ương, nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bốn là, tập trung cao độ tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương với khối lượng công việc lớn chưa từng có. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương bảo đảm tiến độ và đúng yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương.
Năm là, nỗ lực, quyết tâm xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm và hiệu quả. Chú trọng đổi mới đánh giá, xếp loại và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; phân cấp, phân quyền triệt để trong trong tuyển dụng, đổi mới nâng ngạch công chức, bỏ thi và thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảm gánh nặng, thủ tục, quy trình, được sự đồng tình, thống nhất cao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Sáu là, tham mưu đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, lấy sự phát triển kinh tế - xã hội làm thành tựu, lấy đổi mới, sáng tạo làm động lực. Cải cách hành chính ngày càng đi vào chiều sâu hướng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ, nâng cao chất lượng của xây dựng thể chế, tháo gỡ, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số, không ngừng góp phần khơi nguồn cho phát triển.
Bảy là, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước một cách đồng bộ, thống nhất trong ngành Nội vụ, tạo sự ổn định và phát triển rõ nét của toàn ngành và địa phương. Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với hoàn thành, đồng bộ, liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tám là, công tác đối ngoại công vụ với nhiều hoạt động hợp tác chiến lược, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Bộ Nội vụ Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn nhìn nhận còn không ít những hạn chế, tồn tại và những khó khăn vướng mắc đặt ra từ thực tiễn. Theo đó, cần phải nghiêm túc nhận diện để khẩn trương khắc phục, tháo gỡ điểm nghẽn, đặc biệt là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát huy kết quả đạt được, năm 2025, ngành nội vụ đề ra phương châm hành động “đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, hiệu năng, hiệu quả”, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, trong đó tập trung vào 11 nhiệm vụ trọng tâm, 6 giải pháp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận một số nội dung như công tác chuyển đổi số; phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ; kiện toàn tổ chức, hoạt động hệ thống chính trị cấp xã tại địa phương có nhiều đơn vị hành chính cấp xã hình thành mới sau sắp xếp; triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025...
Phát biểu tham luận với nội dung "Công tác triển khai nâng cấp, kết nối, chia sẻ và đồng bộ dữ liệu hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Lạng Sơn" tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai nâng cấp phần mềm Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tỉnh Lạng Sơn kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai cập nhật, bổ sung, chuẩn hoá thông tin hồ sơ CBCCVC trên phần mềm Quản lý hồ sơ CBCCVC tỉnh Lạng Sơn; ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ CBCCVC và người lao động trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, 100% hồ sơ CBCCVC trên phần mềm quản lý hồ sơ CBCCVC tỉnh đã phê duyệt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC ...
Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tham luận tại Hội nghị
Có thể khẳng định, trong năm 2024, ngành Nội vụ tỉnh Lạng Sơn cũng đã bám sát nhiệm vụ và định hướng chiến lược phát triển của ngành và của tỉnh đề ra; đã phát huy tính chủ động sáng tạo, đoàn kết nội bộ trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ với một số kết quả nổi bật như:
- Thứ nhất, về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành theo thẩm quyền 07 Quyết định và trình HĐND tỉnh ban hành 03 Nghị quyết để tổ chức triển khai thực hiện, trong đó đã kịp thời ban hành các văn bản theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, ban hành, sửa đổi các nội dung triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Thi đua, khen thưởng và cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh (về công tác thi đua, khen thưởng, đào tạo, bồi dưỡng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, quy định về phân cấp giải quyết TTHC...).
- Thứ hai, về công tác chính quyền địa phương, UBND tỉnh Lạng Sơn đã kịp thời triển khai Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 (xây dựng đề án; chỉ đạo các đơn vị hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với các Đề án và trình thông qua HĐND các cấp…); Đã hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1246/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc 04 huyện: Tràng Định, Văn Quan, Hữu Lũng, Lộc Bình.. theo đó sắp xếp 12 ĐVHC cấp xã thành 06 ĐVHC cấp xã, giảm 06 đơn vị (từ 200 xã, nay còn 194 xã). Đặc biệt, đã phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận 33 xã ATK, 03 vùng ATK trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thuộc tỉnh Lạng Sơn (Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 11/6/2024).
- Thứ ba, về công tác tổ chức bộ máy: UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn; thực hiện sắp xếp, giảm 01 tổ chức hành chính tương đương Chi cục; giảm 15 đơn vị sự nghiệp công lập. Kịp thời giao biên chế công chức, giao số lượng người làm việc, chỉ tiêu hợp đồng hỗ trợ phục vụ, hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ năm 2024 theo quy định.
- Thứ tư, về công tác cải cách hành chính, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC những năm qua, UBND tỉnh đã kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo là Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; định kỳ hằng quý tổ chức họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính để kịp thời đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC và đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tiếp theo; ban hành Kế hoạch của Ban Chỉ đạo và phân công các thành viên BCĐ trực tiếp kiểm tra công tác CCHC tại các đơn vị. Kịp thời tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến 02 cấp, 03 cấp (tỉnh, huyện, xã) để phân tích Chỉ số PAPI, SIPAS, PAR INDEX năm 2023 và ban hành các Kế hoạch để khắc phục, nâng cao các chỉ số của tỉnh trong năm 2024; đồng thời phát động 03 phong trào thi đua chuyên đề về công tác CCHC (xây dựng đề án VTVL; hiện đại hóa bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã; đẩy nhanh thanh toán trực tuyến). Qua đó, công tác CCHC đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
- Thứ năm, về quản lý cán bộ, công chức, viên chức: Tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện đề án vị trí việc làm đảm bảo hoàn thành 100% đề án ((809/809) trước thời hạn Chính phủ yêu cầu hoàn thành trong Quý I năm 2024 với nhiều cách làm mới: ban hành văn bản ủy quyền cho thủ trưởng các đơn vị phê duyệt Đề án viên chức; phát động phong trào thi đua cao điểm, tổng kết, khen thưởng thành tích... Kịp thời phê duyệt nhu cầu chỉ tiêu viên chức năm 2024 (519 chỉ tiêu); Chỉ đạo UBND 02 huyện (Văn Quan, Lộc Bình) rà soát, bố trí, sắp xếp, kịp thời giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021; đến nay đã hoàn thành theo quy định. Ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2024 với tổng số 400 lớp và 27.663 chỉ tiêu; trong đó đã tổ chức 01 khoá bồi dưỡng xây dựng, quy hoạch đô thị và quản lý chính quyền địa phương cho cán bộ tỉnh Lạng Sơn năm 2024 tại Singapore, 01 lớp bồi dưỡng trên nền tảng số với 1000 học viên tham gia. Đã ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2025 ngay từ tháng 10/2024, kịp thời cho các đơn vị dự toán kinh phí, triển khai sớm trong năm 2025.
- Thứ sáu, về công tác thi đua, khen thưởng: Kịp thời kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh và ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng; phát động 03 phong trào thi đua chuyên đề tập trung thực hiện nhiệm vụ khó, trọng tâm của tỉnh; ban hành kế hoạch triển khai, hướng dẫn khen thưởng phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
- Thứ bảy, Công tác văn thư, lưu trữ và lưu trữ lịch sử: Kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành chỉnh lý tài liệu lưu trữ giấy còn tồn đọng; thực hiện lập hồ sơ điện tử, nộp lưu hồ sơ điện tử vào lưu trữ cơ quan. Tổ chức thành công triển lãm tài tiệu lưu trữ trên không gian mạng với chủ đề: “Phong trào thi đua yêu nước Cụm 7 tỉnh Miền núi Biên giới phía Bắc”. Thực hiện số hóa tài liệu, tạo lập dữ liệu theo kế hoạch, được khoảng 95% tài liệu trong Kho Lưu trữ lịch sử tỉnh.
Trong công tác quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực khác như tín ngưỡng, tôn giáo, công tác thanh niên, tổ chức hội, quỹ... cũng được quan tâm triển khai kịp thời.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu, kết quả tích cực của toàn ngành nội vụ đã đạt trong năm 2024. Đồng chí đề nghị: năm 2025, ngành Nội vụ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của ngành; xây dựng đồng bộ các giải pháp để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao; tập trung tham mưu cấp có thẩm quyền đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới, đảm bảo không bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC theo vị trí việc làm; tập trung đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC bảo đảm đủ phẩm chất, trình độ và năng lực ngang tầm với nhiệm vụ sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và địa phương. Cùng với đó, đồng chí yêu cầu ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, cải cách hành chính và phân cấp, phân quyền trong tất cả các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Nội vụ; tổ chức triển khai có hiệu quả sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; tham mưu xây dựng chính sách đối với CBCCVC dôi dư và xử lý tài sản công sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy...
Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu tiếp thu và bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trân trọng cảm ơn ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã động viên, ghi nhận và khẳng định những kết quả mà Bộ, ngành Nội vụ đã đạt được trong năm 2024 vừa qua; đồng thời, chia sẻ với những khó khăn, phức tạp, nhạy cảm nhưng với chức năng, nhiệm vụ của Ngành hết sức quan trọng, tác động sâu rộng đến cả hệ thống chính trị và cán bộ, công chức, viên chức cũng như toàn xã hội, đã chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục quan tâm để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức trong các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Nội vụ. Đặc biệt, đã chỉ đạo cụ thể, sâu sắc về nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, trong đó có 6 nhiệm vụ năm 2025, toàn ngành Nội vụ đang rất nỗ lực:
- Thứ nhất, tham mưu để sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống hành chính nhà nước, đặc biệt là với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
- Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế để kiến tạo và phát triển đất nước, nâng cao quản trị quốc gia và quản trị địa phương Đây là những nhiệm vụ rất lớn mà ngay sau đây Bộ Nội vụ sẽ phải tập trung.
- Thứ ba, cải cách công vụ, công chức, cải cách nền hành chính.
- Thứ tư, tham mưu công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu của việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong giai đoạn hiện nay.
- Thứ năm, công tác thi đua khen thưởng trong yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025.
- Thứ sáu, chủ động tiên phong, mẫu mực trong việc triển khai hợp nhất giữa Bộ Nội vụ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như trong cả hệ thống.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu bế mạc Hội nghị
Bộ trưởng tin tưởng rằng, với tinh thần chỉ đạo rất cụ thể của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, mỗi cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Nội vụ sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nam 2025. Thay mặt ngành Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trân trọng cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, động viên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương trong thời gian vừa qua đã luôn đồng hành để ngành Nội vụ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp trong năm 2025 và những năm tới./.